Kỳ kinh nguyệt là hiện tượng sinh lý bình thường mà nữ giới phải trải qua. Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu, các bạn nữ vì chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về giới nên có thể mang tâm lý hoang mang, lo sợ mỗi khi có kinh nguyệt. Ở bài viết dưới đây của Femoxil sẽ cung cấp một vài kiến thức cơ bản về kỳ kinh nguyệt tới các bạn đọc.
Kỳ kinh nguyệt là gì?
Kinh nguyệt là hiện tượng niêm mạc tử cung bong tróc cùng với máu kinh từ bên trong tử cung, thông qua cổ tử cung và âm đạo để thải ra ngoài.
Kỳ kinh nguyệt là thuật ngữ chỉ hiện tượng kinh nguyệt diễn ra hàng tháng của nữ giới. Thông thường khoảng thời gian giữa các kỳ cách nhau từ 28 – 30 ngày. Một vài trường hợp chu kỳ kinh nguyệt cách nhau đến 35 ngày. Nếu chu kỳ ngắn hơn hoặc dài hơn nghĩa là sức khỏe của bạn đang gặp vấn đề khiến kinh nguyệt bị rối loạn.
Mỗi tháng, từ giai đoạn dậy thì cho đến khi mãn kinh, cơ thể phụ nữ sẽ trải qua rất nhiều chu kỳ kinh nguyệt. Khi bắt đầu có kỳ kinh nguyệt đầu tiên đồng nghĩa với cơ thể nữ giới đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc mang thai.
Các giai đoạn của chu kỳ kinh nguyệt
Theo các bác sĩ, sự thay đổi (tăng – giảm) của hormone trong cơ thể sẽ tương ứng với các giai đoạn khác nhau của chu kỳ kinh nguyệt. Thông thường, một kỳ kinh nguyệt sẽ trải qua 4 giai đoạn: kinh nguyệt, nang trứng, rụng trứng, hoàng thể. Thời gian của mỗi giai đoạn là khác nhau ở từng người và có thể thay đổi.
Giai đoạn kinh nguyệt
Giai đoạn đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt là giai đoạn hành kinh hay còn gọi là giai đoạn kinh nguyệt. Ở giai đoạn này, người phụ nữ sẽ có kinh, đi kèm là các triệu chứng như: đau bụng kinh, căng tức ngực, đau lưng, tâm trạng thất thường, stress,… Tùy vào thể trạng của mỗi người, thời gian hành kinh sẽ kéo dài từ 3-5 ngày hoặc dài hơn, các triệu chứng cũng sẽ nặng – nhẹ khác nhau.
Giai đoạn kinh nguyệt xảy ra khi trứng không được thụ tinh, nồng độ estrogen giảm xuống, lớp niêm mạc tử cung bong ra và được thải ra ngoài thông qua cổ tử cung và âm đạo của bạn. Máu kinh của bạn là tổ hợp máu, chất nhầy và mô từ tử cung.

Giai đoạn nang trứng
Giai đoạn nang trứng thường trùng lặp với giai đoạn hành kinh và kết thúc khi rụng trứng. Thời gian trung bình của giai đoạn này là khoảng 16 ngày.
Tuyến yên nhận được tín hiệu sẽ tiến hành giải phóng hormone kích thích buồng trứng sản xuất khoảng 5-20 nang trứng. Trong mỗi nang trứng có chứa một trứng chưa trưởng thành. Số trứng không trưởng thành sẽ được hấp thụ lại vào cơ thể.
Nang trứng trưởng thành sẽ sản sinh nhiều estrogen hơn bình thường và làm niêm mạc tử cung dày lên. Đây chính là môi trường rất giàu dinh dưỡng để quá trình thụ thai và hình thành bào thai diễn ra thuận lợi.
Giai đoạn rụng trứng
Ở giai đoạn nang trứng, nồng độ estrogen tăng cao kích thích tuyến yên tiết ra hormone tạo hoàng thể, đánh dấu giai đoạn rụng trứng bắt đầu. Có thể hiểu, giai đoạn rụng trứng là quá trình trứng trưởng thành được giải phóng và di chuyển qua ống dẫn trứng đến tử cung, chờ đợi tinh trùng thụ tinh. Đây là quá trình phụ nữ có thể mang thai.
Quá trình rụng trứng sẽ xảy ra vào ngày thứ 14 trong chu kỳ kinh nguyệt. Thời gian rụng trứng kéo dài 24h, sau thời gian này, nếu không được thụ tinh, trứng sẽ tan ra bên trong cơ thể hoặc chết đi.

Giai đoạn hoàng thể
Đây là giai đoạn sau khi nang trứng giải phóng trứng. Lúc này, cơ thể sẽ giải phóng các hormone (một số estrogen và progesterone). Nội tiết tố tăng cao giúp niêm mạc tử cung dày lên, từ đó sẵn sàng cho trứng đã thụ tinh làm tổ. Nếu thụ tinh thành công, hormone gonadotropin sẽ được tạo ra nhằm duy trì hoàng thể và độ dày của niêm mạc tử cung, quá trình mang thai sẽ diễn ra an toàn.
Nếu bạn không mang thai, hoàng thể sẽ co lại và hấp thụ ngược vào cơ thể. Nội tiết tố giảm, niêm mạc tử cung bong ra, chu kỳ kinh nguyệt mới bắt đầu, mùa “rụng dâu” tới.
Khi nào con gái bắt đầu có kỳ kinh nguyệt
Theo các bác sĩ, độ tuổi trung bình của nữ giới bắt đầu có kinh nguyệt là 12 tuổi. Trong đó, thời gian bắt đầu có kinh nguyệt sớm nhất là 8 tuổi, muộn nhất là 16 tuổi. Dấu hiệu cho biết nữ giới có thể sắp có kỳ kinh nguyệt đầu tiên là ngực và lông mu phát triển.
Thời gian và số lượng máu kinh sẽ nhiều hơn và kéo dài lâu hơn trong những năm đầu mới có kinh nguyệt. Bạn sẽ mất từ 3 – 4 năm để chu kỳ kinh nguyệt có sự ổn định và đều đặn, thường là khi bước sang tuổi 20. Kinh nguyệt sẽ lại bất thường khi phụ nữ tới giai đoạn tiền mãn kinh và hết hẳn khi mãn kinh, thường ở khoảng 51 tuổi. Phụ nữ nhận biết tuổi mãn kinh khi kinh nguyệt không xuất hiện trong vòng một năm.
Bên cạnh đó, kinh nguyệt ở phụ nữ cũng sẽ có sự thay đổi trong quá trình phụ nữ mang thai, sinh con và cho con bú. Cụ thể, khi phụ nữ mang thai, chu kỳ kinh nguyệt sẽ dừng lại bởi lúc này trứng đã được thụ tinh cùng tinh trùng, niêm mạc tử cung không bong ra. Sau khi sinh con, người phụ nữ sẽ có kinh nguyệt trở lại. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của nội tiết tố trong cơ thể mà chu kỳ kinh nguyệt sẽ không ổn định, phải mất một khoảng thời gian để khôi phục như cũ.

Những lưu ý cần nhớ khi tới mùa “rụng dâu”
Khi tới ngày “rụng dâu”, sự thay đổi của nội tiết tố khiến các chị em phụ nữ thường cảm thấy nhức mỏi lưng, dễ mệt mỏi hơn, tâm lý căng thẳng. Để giảm thiểu các triệu chứng, có một số lưu ý để ngày “đèn đỏ” trở nên dễ chịu hơn:
Tránh các hoạt động mạnh, ưu tiên các bài tập nhẹ nhàng: Vào kỳ kinh nguyệt, bạn nên ngừng tập luyện các môn thể thao vận động mạnh như chạy, nhảy dây,… bởi chúng có thể khiến bạn khó chịu hơn. Nên ưu tiên các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, yoga, dưỡng sinh,… Những hoạt động này có thể giúp đẩy nhanh lưu thông máu, tinh thần phấn chấn hơn.
Vệ sinh vùng kín kỹ càng: Vào những ngày “đèn đỏ” vùng kín sẽ thường có mùi khó chịu. Để tránh viêm nhiễm, chị em phụ nữ nên vệ sinh vùng kín sạch sẽ. Tuy nhiên, bạn cũng không nên sử dụng các sản phẩm tẩy rửa quá mạnh.
Thay băng vệ sinh thường xuyên, tốt nhất là 3-4 tiếng thay một lần để đảm bảo vệ sinh. Các loại băng vệ sinh đều có thể gây hầm bí, sử dụng trong nhiều tiếng không thay có thể gây ngứa, viêm nhiễm. Các bạn cũng nên lựa chọn loại băng vệ sinh có nhãn mác đầy đủ, ưu tiên băng vệ sinh không có mùi đặc trưng.
Các bạn nên giữ ấm cơ thể, nhất là vùng bụng bằng túi giữ nhiệt, chai nước nóng, từ đó ngăn ngừa các cơn co thắt, giảm đau bụng dưới. Tăng cường bồi bổ, đặc biệt là thực phẩm giàu chất sắt như gà, tôm, các loại đậu,… Thực phẩm chứa sắt có thể giúp bổ sung lượng sắt cần thiết cho cơ thể, giảm nguy cơ thiếu máu trong ngày “rụng dâu”.
Ngoài ra, các bạn nên tránh các loại đồ uống chứa cafein, tránh thức khuya làm việc, tránh quan hệ tình dục. Những yếu tố này có thể làm các triệu chứng nặng hơn hoặc gây ra viêm nhiễm.
Chu kỳ kinh nguyệt có ảnh hưởng lớn tới sức khỏe sinh sản của nữ giới. Vì vậy, chị em phụ nữ cần có những kiến thức cơ bản về kỳ kinh nguyệt, từ đó chủ động chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của bản thân. Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về vấn đề này.